BỆNH THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG LÀ GÌ?

285 đường 30/4, Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương

Thiết bị y tế An Phát kính chào quý khách!
BỆNH THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG LÀ GÌ?
Ngày đăng: 30/07/2024 03:12 PM

TỔNG QUAN VỀ BỆNH THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt do chấn thương, tai nạn hay thoái hóa… khiến cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, ảnh hưởng đến dây thần kinh và tủy sống ở khu vực gần đó. Những bất thường này có liên quan đến một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống trên cột sống của người bệnh. Hai dạng thường gặp nhất của tình trạng này là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị, người bệnh sẽ những biểu hiện như: đau nhức hay bỏng rát; tê hoặc ngứa râm ran; yếu cơ dẫn đến khó cầm nắm đồ đạc… Một số trường hợp không có triệu chứng khiến cho việc điều trị thoát vị đĩa đệm khó khăn hơn.

Thoát vị đĩa đệm thường do nguyên nhân lão hóa, hay còn gọi là thoái hóa đĩa đệm. Đôi khi, tình trạng này còn đến từ những hoạt động thiếu khoa học trong sinh hoạt hàng ngày, tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay chấn thương thể thao…

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm bao gồm: Béo phì gây áp lực lên các đĩa đệm ở lưng dưới; đặc thù nghề nghiệp phải mang vác nặng hay cúi gập nhiều, vặn người sang một bên, yếu tố di truyền, hút thuốc lá…

Thoát vị đĩa đệm hiếm khi chèn ép toàn bộ ống sống, mà chủ yếu ảnh hưởng đến một số vùng bị tổn thương trên cơ thể. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức cánh tay, tê bì, mất cảm giác, không kiểm soát được đại tiện hay tiểu tiện, teo tay và/hoặc chân dẫn đến mất khả năng di chuyển và nặng nề nhất là gây tàn phế.

KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ ?

Tương tự như với các loại bệnh lý khác, việc điều trị thoát vị đĩa đệm cũng cần được thực hiện sớm để kiểm soát bệnh hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Do đó, lời khuyên của các chuyên gia cơ xương khớp Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh là người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế khi:

•    Các triệu chứng chuyển biến xấu hơn: Tình trạng đau, tê hoặc yếu tăng dần đến mức cản trở các hoạt động hàng ngày của người bệnh. 
•    Rối loạn chức năng bàng quang, ruột: Hội chứng Chùm đuôi ngựa (CES) do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến việc đại tiện, tiểu tiện không tự chủ hoặc khó đi tiểu ngay cả khi bàng quang đã đầy. 
•    Mất cảm giác: Tình trạng này có thể xuất hiện ở đùi trong, mặt sau của chân và khu vực xung quanh trực tràng.


Để chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành một số biện pháp kiểm tra như:

•    Hỏi thăm tiền sử bệnh, kiểm tra cột sống, mức độ đau bằng cách yêu cầu người bệnh nằm thẳng và di chuyển chân sang nhiều vị trí khác nhau để xác định nguyên nhân gây ra cơn đau. Đồng thời thực hiện các cuộc kiểm tra phản xạ, sức mạnh cơ bắp, khả năng đi lại, khả năng cảm nhận được những cú chạm nhẹ… 
•    Chỉ định chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau lưng như nhiễm trùng, khối u, các vấn đề liên quan đến cột sống hoặc gãy xương. Chụp cắt lớp vi tính (CT) để tạo ra hình ảnh mặt cắt của cột sống và các cấu trúc xung quanh. Chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra các cấu trúc bên trong cơ thể, xác định vị trí đĩa đệm bị thoát vị và dây thần kinh bị ảnh hưởng. 
•    Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định làm tủy đồ để xác định các vấn đề của tủy sống hay đo điện cơ (EMG) để đánh giá hoạt động của cơ bắp khi co lại và khi nghỉ ngơi…

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM HIỆU QUẢ:

Tùy theo tình trạng, mức độ ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Hiện nay, các phương pháp thường dùng để điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm:

Điều trị không dùng thuốc 
1.    Vật lý trị liệu
Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà như:
Giường kéo giãn cột sống bằng tạ hoặc bằng điện, Đai kéo giãn cột sống lưng DiskDr, Đai kéo giãn đốt sống cổ DiskDr, Ghế điều chỉnh cột sống lưng DOCTORLOAN, Gối điều chỉnh cột sống cổ DOCTORLOAN, Máy trị liệu cột sống lưng Alphay JKAH-2C, Máy trị liệu cổ Alphay JKAH-3 và một số sản phẩm khác. Lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên tư vấn để đảm bảo an toàn khi sử dụng sản phẩm.
Một số bài tập có thể giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh những bài tập phù hợp với tình trạng bệnh và thể lực. Chương trình vật lý trị liệu có thể bao gồm: Các bài tập kéo căng để giữ cho cơ linh hoạt; Các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau cổ hoặc lưng, đồng thời tăng sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên và giúp cải thiện tâm trạng.
2.    Massage 
Phương pháp này đã được thực hành từ hàng ngàn năm trước và chứng minh khả năng giúp giảm đau, tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ tăng cường sức khỏe hiệu quả. Hiện có khoảng 80 kiểu massage trị liệu với nhiều kỹ thuật đa dạng. Tuy nhiên, trước khi chọn massage, bạn nên trao đổi với bác sĩ để chọn loại phù hợp nhất. 
3.    Liệu pháp nhiệt độ 
Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có thể được áp dụng để điều trị các triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương và sau đó chườm nóng hay lạnh tùy theo sở thích của người bệnh. Một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả chườm nóng và chườm lạnh. 
4.    Liệu pháp xung điện 
Các xung điện mô phỏng hoạt động của tín hiệu đến từ các tế bào thần kinh nhắm vào cơ bắp hoặc dây thần kinh làm cho các cơ co lại. Phương pháp này được lặp đi lặp lại giúp giảm đau, cải thiện lưu lượng máu, sửa chữa các tổn thương, tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, “huấn luyện” cơ phản ứng nhanh với các tín hiệu tự nhiên của cơ thể. 
5.    Phương pháp Chiropractic 
Đây là phương pháp nắn chỉnh xương khớp bị lệch trở về đúng vị trí. Chiropractic thường hiệu quả với các cơn đau ở vùng lưng dưới, nhưng với thoát vị đĩa đệm ở cổ thì phải thận trọng, đề phòng nguy cơ đột quỵ.
Điều trị nội khoa 
Ngoài điều trị hỗ trợ, bác sĩ có thể kết hợp dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. 
1.    Thuốc giảm đau không kê đơn 
Nếu cơn đau của bạn từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol và một số loại khác); Ibuprofen (Advil, Motrin IB và một số loại khác) hoặc Naproxen sodium (Aleve). Thuốc giãn cơ cũng có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị co thắt cơ. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, choáng váng, mệt mỏi… Thuốc giảm đau Opioid: Nếu các loại thuốc nêu trên không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc sử dụng ngắn hạn thuốc Opioid như Codeine hoặc kết hợp với oxycodone-acetaminophen (Percocet, Roxicet). Người bệnh có thể chịu các tác dụng như gây nghiện, buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, táo bón… 
2.    Tiêm thuốc Steroid
Trong trường hợp các biện pháp nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau dạng uống và vật lý trị liệu không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc Steroid vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống. Đây còn được gọi là phương pháp tiêm ngoài màng cứng và áp dụng cho tình trạng bệnh từ trung bình đến nặng. Thuốc Steroid có thể giúp giảm sưng, giảm đau do thoát vị đĩa đệm và giúp người bệnh đi lại dễ dàng. Bác sĩ sẽ thông qua hình ảnh chụp X-quang hoặc CT để tìm ra vị trí thích hợp cho việc tiêm thuốc Steroid. Phương pháp này cần được thực hiện nhiều lần với liệu trình tiêm là 3 mũi/đợt, thời gian giữa các mũi từ 3-7 ngày.
Điều trị ngoại khoa 
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc và điều trị nội khoa không giúp cải thiện triệu chứng trong khoảng 4-6 tuần, phương pháp phẫu thuật có thể được lựa chọn. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay như sau: 
1.    Mổ hở 
Phương pháp này được gọi là mở ống sống (laminectomy) hoặc giải nén cột sống sau. Bác sĩ thực hiện một đường rạch trên lưng hoặc cổ để cắt bỏ Lamina (một phần của vòng khung xương bao phủ tủy sống) giúp mở rộng ống sống, giải phóng áp lực lên tủy sống cắt bỏ gai xương gây chèn ép các rễ thần kinh. Rủi ro của phẫu thuật laminectomy là có thể làm tổn thương dây thần kinh cột sống, đau lưng dai dẳng, rò rỉ dịch não tủy… 
2.    Vi phẫu 
Cắt bỏ là loại phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm. Trong điều kiện đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như màng tăng sáng C-arm, kính vi phẫu… sau gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một vết rạch nhỏ và sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ phần đĩa đệm gây áp lực lên rễ thần kinh, thậm chí có thể lấy cả đĩa đệm bị hư hại ra ngoài. Thủ thuật cải tiến, ít xâm lấn này có thể được thực hiện trên các bệnh nhân ngoại trú. 
3.    Nội soi 
Phẫu thuật nội soi chữa thoát vị đĩa đệm là một trong những tiến bộ quan trọng của y học. Chỉ định này dành cho những bệnh nhân bị chèn ép thần kinh cấp tính do thoát vị đĩa đệm, điều trị nội khoa thất bại, thoát vị di trú… Bằng việc mở một đường nhỏ khoảng 2,5cm trên da, bác sĩ sẽ đưa hệ thống ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào tiếp cận cột sống và thực hiện việc giải phóng áp lực cho dây thần kinh, tủy sống. Ngoài phương pháp gây mê, người bệnh cũng có thể được gây tê cục bộ khi mổ nội soi. 
4.    Hợp nhất cột sống 
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm hoặc phẫu thuật cắt đốt sống, bác sĩ có thể kết hợp với thủ thuật hợp nhất hai bên đĩa đệm lại với nhau để cố định vĩnh viễn cột sống của người bệnh. Phương pháp này còn được gọi là hợp nhất tủy sống. Việc hợp nhất hai đốt sống sẽ ngăn xương di chuyển và giúp người bệnh không còn cảm thấy đau đớn. 
Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân để hợp nhất hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau. Bác sĩ cũng có thể dùng vít và thanh kim loại hoặc nhựa được thiết kế riêng để hỗ trợ giữ vững cột sống. Sau hợp nhất cột sống, người bệnh cần phải nằm viện một vài ngày.
5.    Thay đĩa đệm nhân tạo 
Phẫu thuật này thường được chỉ định để điều trị thoát vị một đĩa đệm ở lưng dưới, trải qua khoảng 6 tháng điều trị các phương pháp bảo tồn nhưng không đạt được kết quả khả quan. Nếu người bệnh bị viêm khớp, loãng xương hoặc có nhiều đĩa đệm cùng bị thoái hóa, bác sĩ sẽ không chọn giải pháp này. 
Để chuẩn bị thay đĩa đệm nhân tạo, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành vết rạch ở bụng. Qua kính vi phẫu, bác sĩ sẽ nới rộng khoảng cách giữa hai đốt sống, thay đĩa đệm bị hư bằng đĩa nhân tạo có chất liệu nhựa hoặc kim loại. Sau thay đĩa đệm, người bệnh sẽ được lưu lại bệnh viện vài ngày để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu. 
Sau điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp phẫu thuật, các chuyên gia Trung tâm Chấn thương chỉnh hình khuyên bạn trao đổi ngay với bác sĩ nếu có các biểu hiện như: 
•    Cơn đau không giảm, dù đã dùng thuốc giảm đau, thuốc tiêm và vật lý trị liệu. 
•    Các triệu chứng đã có tiếp tục chuyển biến xấu hơn. 
•    Gặp khó khăn khi đứng hoặc đi lại. 
•    Mất khả năng kiểm soát ruột hoặc bàng quang.
PHÒNG NGỪA TÁI PHÁT SAU ĐIỀU TRỊ 
Hầu hết các vấn đề có liên quan đến đĩa đệm thoát vị sẽ tự khỏi hoặc chuyển biến tích cực khi được điều trị. Nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể tái phát. 
Để bảo vệ cột sống và ngăn ngừa nguy cơ thoát vị các đĩa đệm khác, bạn nên chú ý các biện pháp phòng ngừa sau khi điều trị: 
•    Luôn ngồi và đứng thẳng. 
•    Nếu phải đứng lâu, hãy gác một chân lên vật nào đó để giảm áp lực cho lưng. 
•    Tránh nâng vật nặng quá 2,5kg. 
•    Nếu nâng vật nặng, hãy ngồi xổm rồi từ từ nâng lên, tránh uốn cong vùng thắt lưng. 
•    Duy trì cân nặng ổn định để không gây áp lực cho cột sống. 
•    Tránh hút thuốc vì thuốc lá có thể gây ra xơ cứng động mạch, làm hỏng các đĩa đệm. 
•    Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thực phẩm tốt cho xương. 
•    Vận động điều độ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 
Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh rất thường gặp ở người Việt Nam, với tỷ lệ chiếm đến 30% dân số và việc điều trị thoát vị đĩa đệm cũng mất khá nhiều thời gian. Do đó, trước tiên là bạn nên xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, thận trọng trong quá trình làm việc hay điều khiển các phương tiện giao thông để tránh chấn thương.
Khi có các triệu chứng thoát vị đĩa đệm, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng tàn phế. Trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm, cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, nghiêm túc tuân thủ các chỉ định để nhanh chóng khỏi bệnh.
Nguồn tham khảo 
1.    AANS Patient Resources – Neurosurgical conditions and treatments. (n.d.). https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/ 
2.    Herniated disk – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic. (2023, October 24). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/herniated-disk/diagnosis-treatment/drc-20354101 
3.    What are the Treatments for a Herniated Disk? (2022, December 18). WebMD. https://www.webmd.com/pain-management/treatments-for-herniated-disk 
4.    Revord, J., MD. (n.d.). Treatment options for a herniated disc. Spine-health. https://www.spine-health.com/conditions/herniated-disc/treatment-options-a-herniated-disc
5.    https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-thoat-vi-dia-dem

 

Copyright © 2023 An Phat Co.,ltd . Design by Tuong

  • Online: 3
  • Tuần: 483
  • Tháng: 1719
  • Tổng truy cập: 77108

0933880878

Zalo
Hotline